Những ngày gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhất là sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm mạnh đã xảy ra hiện tượng người dân đổ xô đi mua xăng, dầu về tích trữ và sử dụng.

Theo ngành chức năng, việc tích trữ xăng, dầu tại hộ gia đình tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xảy ra cháy, nổ bất cứ lúc nào, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bởi xăng, dầu là loại chất nguy hiểm cháy nổ cao và có tính chất lý, hóa đặc biệt, nếu được tích trữ trong các can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp thì rất dễ dẫn đến hiện tượng bị hư hỏng hoặc do va đập làm vỡ, thủng thiết bị chứa dẫn đến rò rỉ xăng dầu ra ngoài, tạo thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ, đặc biệt là trong không gian kín, hẹp. Thêm vào đó, tại các hộ gia đình, việc bảo quản xăng dầu thường đặt chung cùng các vật dụng khác ở khu vực tầng hầm hoặc tầng 1 của nhà. Các khu vực này thường không được ngăn cách độc lập với khu vực xung quanh, không có thiết bị điện chuyên dụng đảm bảo an toàn chống cháy, nổ nên nếu không may xảy ra cháy, nổ dẫn đến cháy lan lớn, tỏa ra nhiều khói, chất độc, gây nguy cơ tử vong cho người trong nhà cao, đồng thời gây khó khăn cho công tác chữa cháy, CNCH…

Cùng với những thiệt hại nặng nề do cháy, nổ gây ra đối với các gia đình thì người dân (chủ gia đình) có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với những hậu quả do hành vi tích trữ xăng dầu không đảm bảo an toàn.

Trước nguy cơ mất an toàn về PCCC nêu trên, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo người dân một số vấn đề sau:

Thứ nhất, theo quy định của Chính phủ thì các cửa hàng bán xăng dầu vẫn hoạt động thường xuyên để phục vụ nhu cầu của người dân. Do vậy người dân chỉ mua xăng, dầu vừa đủ với nhu cầu sử dụng, không tích trữ tại nhà để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho gia đình.

Thứ hai, trường hợp hộ gia đình đã tích trữ xăng dầu cần thì có biện pháp bảo quản an toàn như sau:

– Phải bảo quản trong khu vực độc lập (kho riêng), tuyệt đối không tồn chứa xăng dầu trong khu vực có người ở;

– Khu vực tồn chứa xăng, dầu phải tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và thông thoáng để giảm sự bốc hơi, tích tụ của hơi xăng dầu;

– Có biện pháp ngăn xăng dầu, tràn ra ngoài, cách xa nguồn sinh lửa (bếp đun, đốt rác…), nguồn nhiệt;

– Các thiết bị điện (công tắc, bóng đèn…) trong khu vực chứa xăng dầu phải đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bị chập, cháy, phát sinh tia lửa…;

– Ngăn cách và cảnh báo để trẻ em và người khác không tiếp cận được khu vực tồn chứa xăng dầu.

Trong trường hợp đã tích trữ số lượng lớn xăng dầu và khi phát hiện các nguy cơ dẫn đến cháy, nổ thì nhanh chóng báo với chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng hoặc đơn vị kinh doanh xăng dầu để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm giảm, khống chế nguy cơ cháy, nổ.